Diễn biến Chiến_dịch_Đường_9_-_Khe_Sanh

Bộ chỉ huy QĐNDVN, tham chiến dưới danh nghĩa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (QGP), chia chiến dịch ra làm 4 giai đoạn:

  • Đợt 1 (20 tháng 1 - 7 tháng 2), QGP tiến công quận lỵ Hướng Hoá và cứ điểm Huội San (xem trận Huội San, 24 tháng 1 năm 1968), diệt cứ điểm Làng Vây (xem trận Làng Vây, 6 và 7 tháng 2 năm 1968), làm chủ đoạn đường 9 từ Cà Lu đến biên giới Việt - Lào.
  • Đợt 2 (8 tháng 2 - 31 tháng 3): phát triển lên vây lấn và pháo kích căn cứ Khe Sanh suốt 50 ngày đêm; bao vây Cồn Tiên, đánh một số trận ở hướng Đông Quốc lộ 1 để ngăn chặn lực lượng Mỹ tới ứng cứu cho Khe Sanh.
  • Đợt 3 (1 tháng 4 - 30 tháng 4): đánh quân Mỹ ứng cứu trong Chiến dịch Pegasus, giải toả, giữ vững các khu vực làng Khoai, Cu Bốc, các cao điểm 689 và 622, triệt phá giao thông trên Đường 9.
  • Đợt 4 (8 tháng 5 - 15 tháng 7): khôi phục thế vây lấn căn cứ Khe Sanh, chặn đánh quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh.

Đợt 1

Trận đánh mở màn nổ ra ngày 20 tháng 1 năm 1968, xảy ra trên Cao điểm 881-Nam (Có hai ngọn đồi mang tên "881", một ngọn nằm về hướng Bắc của Khe Sanh, và ngọn kia nằm về hướng Nam). Ngọn đồi này được phòng thủ bởi một cánh quân của Tiểu đoàn 1/3 TQLC Hoa Kỳ, gồm Ban chỉ huy của Đại đội M, hai trung đội bảo vệ, và toàn thể lực lượng của Đại đội K. Rạng sáng 20 tháng 1, Đại đội I Tiểu đoàn 3/26 TQLC Mỹ bị QGP phục kích ở gần 881 Nam, chỉ trong ít phút đã có hơn 15 lính Mỹ chết, 21 bị thương và 19 mất tích (ngày hôm sau tìm thấy xác). Các căn cứ hỏa lực Mỹ quanh vùng đáp trả, bom napalm từ phi cơ không yểm ném xuống ngăn cản các đợt xung phong của QGP. Toán TQLC Mỹ bị thiệt hại nặng, phải rút lui về vị trí cũ trên Cao điểm 881-Nam.

Trong khi ấy, hai trung đội TQLC của Đại đội M Tiểu đoàn 3/26 được trực thăng vận đến Cao điểm 881-Nam. Toán quân này chuẩn bị hợp sức với Đại đội I Tiểu đoàn 3/26 để ngày hôm sau mở cuộc lục soát về hướng Cao điểm 881-Bắc. Cuộc hành quân này đưa đến một vụ đụng độ ác liệt dưới chân Cao điểm 881-Bắc với Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95C QGP. Quân Mỹ có ưu thế hỏa lực áp đảo nhờ có trực thăng chiến đấu yểm trợ và đẩy lùi được đợt tấn công. Kết thúc trận đánh, Mỹ thiệt hại 7 chết và 35 bị thương, phía QGP có 15 người chết và 95 bị thương[25].

Rạng ngày 21 tháng 1 năm 1968, Sư đoàn 325 QGP dùng Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 2 đánh Cao điểm 832 (Mỹ gọi là 861, về phía tây bắc Tà Cơn khoảng 4 km) do Đại đội K, Tiểu đoàn 3/26 TQLC Mỹ tổ chức phòng ngự. Mặc dù được hỏa lực pháo binh chi viện nhưng quân Mỹ dựa vào lợi thế điểm cao, có hệ thống công sự trận địa phòng ngự vững chắc, đặc biệt là được cụm pháo Tà Cơn chi viện trực tiếp nên các đợt tấn công Tiểu đoàn 6 đều bị đẩy lùi và bị thiệt hại lớn, 20 người chết, 68 bị thương. Quân Mỹ có 4 chết và 11 bị thương[25].

Kho đạn trong căn cứ Khe Sanh bốc cháy vì pháo kích

Đêm ngày 20, rạng ngày 21 tháng 1, pháo binh chiến dịch của Sư đoàn 304 QGP phát hỏa. Đòn tiến công bất ngờ kéo dài với uy lực mạnh đánh vào nhiều mục tiêu quan trọng ở Khe Sanh đã "khoan" nhiều hố trên đường băng, làm nổ tung kho đạn 1.500 tấn, phá một máy bay lên thẳng[29]. Mô tả cảnh tượng trên, nhà báo Mỹ Micheal McClear viết: "Rạng sáng ngày 21 tháng 1 năm 1968, pháo tầm xa của Bắc Việt Nam mở màn cuộc bao vây ở Khe Sanh với sự chính xác tai hại, 300 quả đạn đã làm 18 lính Mỹ chết, 40 bị thương, những quả đạn pháo ấy như rơi ngay vào Oa-sinh-tơn".[30]

Ngày 22 tháng 1 năm 1968, tình hình Khe Sanh nguy ngập bởi kho đạn 1.500 tấn, chiếm phần lớn dự trữ đã bị phá hủy. Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 9 TQLC Hoa Kỳ cùng máy bay vận tải chở đạn dược khẩn cấp đến tăng cường cho Khe Sanh.

Tiếp tục thực hiện ý định chiến dịch, ngày 23 tháng 1, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh hạ lệnh tiến công tiêu diệt cứ điểm Huội San nằm sát biên giới Việt - Lào. Huội San là khu vực phòng ngự của quân Hoàng gia Lào (6 đại đội) và một số trung đội dân vệ, tổng cộng gần 1.000 quân tổ chức thành 12 cứ điểm nhỏ, trung tâm là cứ điểm Tà Mây. Để đảm bảo đánh chắc thắng, ngoài lực lượng Trung đoàn 24 Sư đoàn 304, Bộ Tư lệnh đã tăng cường thêm 1 đại đội xe tăng lội nước (11 xe PT-76) 1 đại đội công binh, một số trung đội địa phương và một số cán bộ địch vận của Pathet Lào.

Lúc 19 giờ ngày 23 tháng 1, khi hỏa lực pháo binh bắn chuẩn bị, các mũi tiến công của bộ binh và xe tăng QGP bắt đầu xuất phát xung phong. Được xe tăng chi viện, các mũi tiến công của bộ binh nhanh chóng vượt qua cửa mở, thọc sâu, chia cắt địch, diệt sở chỉ huy, chiếm các mục tiêu và dập tắt mọi sự chống cự của đơn vị Quân đội Hoàng gia Lào đồn trú. Lúc 8 giờ sáng cùng ngày, QGP đã làm chủ căn cứ Tà Mây cùng hệ thống phòng ngự Huội San. Phần lớn hơn 800 quân Lào chốt giữ ở đây đều bị hạ và bắt giữ, chỉ một bộ phận nhỏ (khoảng 350 lính) chạy thoát về Làng Vây. QGP thiệt hại 29 chết và 54 bị thương.[25]

Đêm ngày 23 tháng 1, Bộ chỉ huy Sư đoàn 320 QGP lệnh cho Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 64 cùng các Tiểu đoàn 14 (pháo, cối mang vác) và 16 khẩu súng máy cao xạ 12,7 ly... cơ động triển khai xây dựng hệ thống công sự trận địa ở Động Mã; lệnh cho Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 64 vào bố trí ở đông nam Cù Đinh (Cao điểm 182) sẵn sàng đánh địch ra ứng cứu Đường 9. Qua 4 ngày chiến đấu quyết liệt (23 đến 28 tháng 1) với 97 người chết, Tiểu đoàn 7 và 8 Trung đoàn 64 đã phá hủy 10 xe quân sự (có 2 xe tăng), loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 quân Mỹ, hoàn thành được nhiệm vụ cắt đứt Đường 9, tạo điều kiện thuận lợi cho các Sư đoàn 304 và 325 siết chặt vòng vây ở Khe Sanh.

Tàu YFU-62 của Hải quân Hoa kỳ bị bắn chìm trên sông Hiếu

Cùng với các đòn tiến công trên bộ, trong các ngày 20, 21, 22 tháng 1 năm 1968, Đoàn Đặc công 126 có sự phối hợp chiến đấu của Tiểu đoàn 47 bộ đội Vĩnh Linh và du kích huyện Gio Linh đã liên tiếp đánh chìm 6 tàu chở hàng (LCU) trên cảng Đông Hà và đoạn sông làng Xuân Khánh. Tiếp đó, trong 3 ngày 26, 27 và 28 tháng 1, đặc công hải quân Đoàn 126 lại dùng thủy lôi diệt thêm 3 tàu LCU chở đầy hàng hóa quân sự của Mỹ từ Đà Nẵng qua Cửa Việt lên Đông Hà. Lúc 9 giờ sáng ngày 8 tháng 2, đặc công Đoàn 126 lại phục kích đoàn tàu vận tải Mỹ, đánh chìm 4 tàu LCU cùng hàng ngàn tấn đạn dược. Sáng 1 tháng 3, trên sông Hiếu, du kích xã Gio Hà (nay là Gio Mai, Gio Quang), Gio Cam, bộ đội địa phương Cam Lộ, Trung đoàn 270, đặc công đoàn 126 phục kích bắn chìm 7 tàu LCU của Mỹ, bắn hư hại 5 tàu khác (xem Trận Bạch Đằng trên sông Hiếu).

Thắng lợi bước đầu trong việc phong tỏa cảng sông Cửa Việt đã góp phần quan trọng cho cho việc cô lập quân Mỹ trên hướng chủ yếu Khe Sanh. Ngày 5 tháng 2, QGP tổ chức tấn công 861A của Mỹ. Mặc dù đã chọc thủng được tuyến phòng ngự của đối phương nhưng cuộc tấn công của QGP vẫn bị đẩy lùi bởi lính Mỹ có hỗ trợ của các cảm biến điện tử. Tuy nhiên tới ngày 6 tháng 2, QGP sử dụng 11 xe tăng lội nước PT-76 hỗ trợ bộ binh để tấn công các doanh trại đơn vị Đặc nhiệm Mỹ nằm ở phía Tây Nam căn cứ và khiến các căn cứ này bị san phẳng.[31]

Sau khi tiêu diệt các căn cứ Hướng Hóa, Huội San, đánh thiệt hại lực lượng Mỹ trên Đường 9 và chi khu Cam Lộ, Bộ Tổng Tham mưu QDNDVN đã gửi công điện khẩn cho Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị: "Phải diệt căn cứ Làng Vây trong ngày 6 tháng 2 để phối hợp tác chiến chung với toàn Miền".

Sơ đồ trận Làng Vây: Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công

Để đánh chắc thắng Làng Vây, Bộ Tư lệnh Mặt trận chủ trương dùng một lực lượng mạnh áp đảo gồm Trung đoàn 24 Sư đoàn 304, Tiểu đoàn 3 (Sư đoàn 325), Trung đoàn công binh 7 (thiếu), 2 đại đội xe tăng với 14 xe PT-76, 2 đại đội đặc công. Đến 3 giờ 30 phút ngày 7 tháng 2, cả ba hướng đã cơ bản hoàn thành việc đánh chiếm được các mục tiêu theo phân công. Đến 10 giờ trưa ngày 7 tháng 2, trận Làng Vây kết thúc, trong số hơn 900 quân biệt kích phòng ngự Làng Vây, 316 lính bị chết và 253 bị bắt sống, chỉ có 255 thoát về được Khe Sanh (trong đó có 75 bị thương). QGP diệt gọn một cứ điểm quan trọng án ngữ trên đường 9, đẩy cụm cứ điểm Tà Cơn vào thế bị cô lập hoàn toàn giữa lòng chảo thung lũng Khe Sanh.

Sức ép của QGP ở Đường 9 - Khe Sanh ngày càng tăng đã làm cho Bộ Tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam thực sự lo ngại. Tướng Westmoreland đã từ Sài Gòn ra Đà Nẵng để gặp các tướng lĩnh chỉ huy các sư đoàn TQLC và Lục quân tại Vùng I chiến thuật bàn cách đối phó. Cùng với việc tăng quân, Mỹ thiết lập một Sở chỉ huy quân sự Mỹ (MACVFOARD) tại Phú Bài để điều khiển lực lượng đánh trả các cuộc tiến công của QGP trên Đường 9 - Khe Sanh. Vì vậy số lượng quân chiến đấu của Mỹ ở đây đã lên tới 43 tiểu đoàn chủ lực (25 tiểu đoàn Mỹ, 18 tiểu đoàn QLVNCH) với tổng quân số 69.490 lính (trong đó có 40.800 lính Mỹ).

Đến đây, Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đã hoàn thành được nhiệm vụ thu hút, giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của Mỹ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho toàn Miền thực hiện đòn chiến lược tổng tấn công Tết Mậu Thân. Tiêu biểu như ở Huế, việc quân Mỹ bị điều khỏi thành phố đã tạo điều kiện cho QGP nhanh chóng kiểm soát 90% thành phố chỉ trong 2 ngày. Giai đoạn 1 chiến dịch đến đây cũng kết thúc.

Đợt 2

Sau các trận đánh ở Động Tri, Huội San, Hướng Hóa, Cam Lộ... thất bại ở Làng Vây đã đẩy cụm cứ điểm Khe Sanh của Mỹ vào thế bị cô lập hoàn toàn giữa lòng chảo thung lũng Khe Sanh. Để bảo vệ Khe Sanh, ngoài lực lượng hỏa lực bố trí trong căn cứ, Mỹ còn dùng pháo binh hỗn hợp cùng máy bay các loại kể cả B-52 chi viện tối đa (có ngày pháo binh bắn tới 15.000 quả, máy bay chiến thuật oanh tạc tới 300 lần xung quanh căn cứ mỗi ngày).

Ngày 8 tháng 2, để đảm bảo cho việc phục vụ vây lấn ở hướng tây chắc chắn thắng lợi, Bộ Tư lệnh Mặt trận đã điện cho Sư đoàn 304, Sư đoàn 325 phải thực hiện tốt việc nhanh chóng chuẩn bị chu đáo mọi yếu tố cần thiết để đưa lực lượng vào thực hành vây lấn ngay. Thực hiện chỉ thị của Bộ tư lệnh Mặt trận, bằng sự nỗ lực rất cao của các chiến sĩ, đến ngày 10 tháng 2 năm 1968, hai Trung đoàn 9 và 66 của Sư đoàn 304, các Trung đoàn 95C và 101D thuộc Sư đoàn 325C QGP cùng bộ đội địa phương Hướng Hóa đã xây dựng được 13 trận địa vây lấn bao quanh căn cứ Khe Sanh. Chiến thuật vây lấn từng làm nên thắng lợi của QĐNDVN tại trận Điện Biên Phủ sẽ được sử dụng.

Pháo M107 được quân Mỹ mệnh danh là Vua chiến trường vì tầm bắn xa và uy lực mạnh.

Không quân Mỹ ra sức tìm cách tiêu diệt các vị trí đặt pháo hạng nặng của QGP. Việt Nam đối phó bằng cách phân tán vị trí của các khẩu đội pháo (một số vị trí cách nhau 800 mét, mặc dù 100-300 mét là điển hình hơn), có sẵn ụ trú ẩn để kéo pháo vào sau khi bắn, xung quanh có các vị trí súng phòng không. QGP đã đặt một lượng lớn pháo tầm ngắn (105mm) và súng cối trong bán kính 2 dặm quanh căn cứ Khe Sanh, phần lớn rocket được phóng từ cao điểm 881 ở phía Bắc. Các khẩu trọng pháo (122 hoặc 130mm) được đặt xa hơn, trên đồi 305 và trong các hang động cũng như các dốc đá của núi Cơ Rốc, nằm bên kia biên giới Lào. Trong khi chúng có thể bắn quân Mỹ, pháo của TQLC (chủ yếu là loại 105 ly) lại không có đủ tầm để đáp trả, kể cả các khẩu trọng pháo 175mm đặt ở Tà Cơn và Cam Lộ cũng không thể bắn đến các khẩu trọng pháo của QGP. Quân Mỹ vẫn có thể dựa vào không quân để tấn công pháo binh của QGP, tuy nhiên việc triển khai trận địa pháo của QGP cực kỳ bí mật và được ngụy trang kĩ lưỡng, nhờ vậy nên trong suốt chiến dịch, không quân Mỹ cũng không thể dập tắt được hỏa lực pháo binh QGP. Toàn chiến dịch, hai trung đoàn pháo binh của QGP tham gia chiến dịch tiêu hao 185 người thương vong, các đơn vị pháo phòng không có thương vong 88 người. Tính tới đầu tháng 4, QGP đã sử dụng 9.423 viên đạn pháo và súng cối, trong đó có 4.040 viên đạn cối 82 ly, 3.781 viên đạn pháo 122 ly và hơn 700 rocket[25], khiến cho gần 2.000 lính Mỹ bị thương vong (xem thống kê chi tiết các vụ pháo kích trong tháng 2 tại đây).

Vì cụm cứ điểm Khe Sanh là một cụm phòng ngự mạnh, kiên cố, vững chắc nhất của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, do đó QĐNDVN chủ trương "Diệt một số cứ điểm ngoại vi sau đó vây ép chặt buộc địch ra giải tỏa, để ta đánh địch ngoài công sự, vừa diệt được nhiều địch, lại giảm thương vong của ta". Ngay ngày 9 tháng 2, một trận kịch chiến xảy ra trên Cao điểm 64 giữa quân Mỹ được trực thăng và phi cơ yểm trợ với 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 101D QGP. Quân Mỹ có 26 lính tử trận và 27 bị thương. Phía QGP chịu thương vong với 58 tử trận và 71 bị thương, song đã giữ được trận địa.

Cố vấn Walt W. Rostow trình bày cho Tổng thống Lyndon B. Johnson trên sa bàn Khe Sanh, 15-2-1968

Trung đoàn 9 QGP vào vây lấn trực tiếp trên 2 hướng: đông đông nam và tây tây nam, Trung đoàn 95 và 101D (F325) vây xa trên các cao điểm phía bắc: 845, 852, 550. Chỉ trong thời gian ngắn trận địa vây lấn đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh: Có hệ thống công sự chiến đấu có nắp, hệ thống chiến hào, giao thông hào liên hoàn; trung đoàn còn huy động các lực lượng của đơn vị đào được 2 giao thông hào dài 5 km nối liền từ các trận địa chốt với phía sau nam đường 9. Hệ thống hỏa lực được bố trí chặt chẽ có thể khống chế được sân bay, đồng thời một số tổ bắn tỉa có kính ngắm hồng ngoại đã vào sát hàng rào xây dựng công sự chiến đấu, cả ngày và đêm. Ngoài các loại hỏa lực bản thân, khi xảy ra tác chiến trung đoàn còn được các cụm pháo của sư đoàn và mặt trận chi viện trực tiếp.

Sau khi xây dựng được trận địa tương đối hoàn chỉnh, các trận địa chốt và hỏa lực cối, đại liên 12,7 ly bắt đầu khống chế sân bay làm cho máy bay Mỹ xuống tiếp tế gặp khó khăn, hoạt động đi lại của quân Mỹ trong căn cứ cũng bị khống chế, một số đã bị bắn tỉa tiêu diệt. Đồng thời các mũi lấn dũi cũng ngày càng phát triển sâu vào áp sát các cứ điểm, có mũi đã lấn dũi qua hàng rào thứ 2, 3 của Mỹ. Ngày 10 tháng 2, gần như toàn bộ lính Mỹ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý khi chiếc C-130 của Thủy quân lục chiến bị trúng đạn, buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Khe Sanh làm chết 8 lính Mỹ. Lúc này, phía Mỹ không hề biết phía QGP đã giảm 1/3 quân số ở Khe Sanh để điều chuyển sang chiến trường Huế. Lính Mỹ lúc này lo sợ về việc họ không nhận được tiếp viện và số thương vong không chuyển ra khỏi chiến trường. Về cơ bản, mục tiêu kìm chân Mỹ ở Khe Sanh của QGP đã đạt được hiệu quả.[31]

Ngày 11 tháng 2, một tin xấu đến với hệ thống vận tải chi viện cho Khe Sanh của Mỹ. Hai vận tải cơ C-130 đáp xuống Khe Sanh thì 1 đã nổ tung vì trúng đạn pháo kích, toàn bộ 6 phi công thiệt mạng. Chiếc còn lại gấp rút được sửa chữa rồi bay "khập khễnh" về phi trường Đà Nẵng. Từ đó về sau, các máy bay vận tải của Mỹ không còn dám đáp xuống đường băng mà phải sử dụng cách bay sát đường băng rồi đẩy hàng có buộc dù qua cửa sau bụng phi cơ, dù cách này sẽ khiến một lượng lớn hàng hóa bị hư hỏng khi tiếp đất.

Việc tiếp vận cho các ngọn đồi quanh lòng chảo cũng có ý nghĩa sống còn với Mỹ, bởi nếu mất các ngọn đồi này thì pháo binh QGP sẽ có thể bắn trực xạ vào căn cứ với độ chính xác rất cao. Mỹ phải huy động hàng trăm trực thăng mỗi ngày để tiếp tế cho các ngọn đồi này. Thậm chí việc tắm rửa của lính Mỹ cũng bằng nước thả xuống từ trực thăng. Một sĩ quan QGP đã viết trong hồi ký: "Chúng tôi vượt hàng trăm cây số đường rừng chỉ với 1 bi đông nước, trong khi lính Mỹ dùng tới cả trực thăng chỉ để tắm giặt. Khi thấy cảnh này, tôi tin chắc nếu kiên trì, chúng tôi sẽ chiến thắng cuộc chiến này".

Nắm được quy luật hoạt động của trực thăng, QGP bố trí các khẩu đội súng máy 12,7 ly ngụy trang kĩ để đón lõng trực thăng Mỹ khi thả hàng. Chỉ trong 2 tuần đã có hàng chục trực thăng Mỹ bị hạ. Đơn vị súng máy 12,7mm bố trí tại sát sân bay Tà Cơn đã bắn rơi được 17 chiếc máy bay trực thăng hiệu UH-1A, trong đó riêng chiến sĩ Nguyễn Văn Nhương bắn rơi 7 chiếc.[32] Không quân Mỹ phải bố trí các phi vụ ném bom yểm trợ cho đội trực thăng thì thiệt hại mới giảm đi.

Super Gaggle: Trực thăng CH-46 Sea Knight chở hàng tiếp tế (trên) và A-4 Skyhawk hỗ trợ không kích

Để đẩy lùi lực lượng QGP ra khỏi Khe Sanh, Mỹ đã sử dụng hỏa lực pháo binh và không quân không hạn chế. Tính từ ngày 21 tháng 1 đến ngày 3 tháng 3 năm 1968, Không quân Mỹ đã xuất kích 24.000 lần chiếc kể cả máy bay chiến lược B-52, trút 114.810 tấn bom các loại, bằng lượng bom Mỹ ném xuống toàn nước Nhật Bản trong cả năm 1945. Trung bình mỗi ngày Mỹ lại huy động 32 phi vụ B-52 và 200 phi vụ cường kích, rải xuống 1.800 tấn bom. Đồng thời pháo binh từ trong căn cứ, từ Trại Carroll và Rockpile bắn 159.000 quả đạn lên một khu vực chỉ rộng 32 km² quanh Khe Sanh[33], tạo nên những trận bão lửa dữ dội chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh.

Đối phó với hỏa lực cực mạnh của Mỹ, QGP đã dùng thứ vũ khí thô sơ nhưng hiệu quả nhất: các chiến hào, vốn từng được kiểm nghiệm qua trận Điện Biên Phủ. Theo tính toán của Mỹ, cần tới 1.000 viên đạn pháo chỉ để phá hủy 30 mét đường hào cùng một vài binh sĩ trong đó. Tuy nhiên trước sức mạnh hỏa lực áp đảo của đối phương, vốn được đánh giá là mạnh hơn gấp hàng chục lần so với quân Pháp ở Điện Biên Phủ, thiệt hại của QGP cũng tăng dần. Mỗi ngày QGP phải sửa, đào mới 40-50% chiến hào, ngày cao điểm đánh phá có hướng, mũi phải sửa chữa đến 70% công sự trận địa. Cùng với thiệt hại về công sự, vật chất kỹ thuật, số cán bộ chiến sĩ hy sinh hoặc bị thương lên tới gần 200 người mỗi tuần. Tính đến giữa tháng 3 năm 1968, tổng số bộ đội bị thương từ đầu chiến dịch là 1.436 người. Trong số đó, 484 người bị thương nhẹ được trả về đơn vị sau khi điều trị, 396 người bị thương nặng thì được đưa ra miền Bắc điều trị[25].

Thấy dùng không quân và pháo binh không ngăn được phát triển của các mũi vây lấn, Mỹ phải đưa lực lượng trong căn cứ ra thực hành phản kích hòng đẩy lùi các mũi lấn dũi ra xa và chiếm lại một số chốt. Nhiều cuộc chiến đấu diễn ra cực kỳ ác liệt. Ví dụ như cuộc giao tranh ngày 25 tháng 2, 1 trung đội thuộc Đại đội B Tiểu đoàn 1/26 của Mỹ mất gần hết quân số với 9 lính chết, 25 bị thương, 18 mất tích và 1 bị bắt.[34]

Kết hợp với vây lấn, pháo binh QGP liên tục pháo kích tiêu hao sinh lực của quân Mỹ. Đỉnh điểm là ngày 23 tháng 2, pháo kích làm nổ tung 1 kho đạn, khiến 12 lính Mỹ chết và 51 bị thương.[35] Nhớ lại khoảng thời gian bị vây hãm tại Khe Sanh, cựu binh John Scott Jones vẫn không thôi bị ám ảnh: "Chúng tôi đã ở dưới những căn hầm trú ẩn nhỏ, có rất nhiều bom đạn thả xuống, rất nhiều người chết và bị thương. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn. Chúng tôi không có nước uống và thiếu lương thực trầm trọng, chỉ cố gắng cầm cự để mong sống sót"[21].

Có một câu chuyện được kể lại bởi thủy quân lục chiến Mỹ trong trận đánh Khe Sanh: Trong nhiều tuần, có một xạ thủ bắn tỉa Việt Nam núp trên một ngọn đồi bắn vào căn cứ Mỹ, gây ra một vài tổn thất và hạn chế hoạt động của lính Mỹ. Lính Mỹ đã mở nhiều cuộc tuần tiễu có pháo binh bắn phá nhưng vẫn không triệt hạ được tay súng này. Cuối cùng, Mỹ mở một đợt không kích với rất nhiều máy bay và đủ loại bom đạn, từ bom napalm đến pháo 20mm, bắn dữ dội thật lâu, cho đến khi cả ngọn đồi trở nên tan hoang. Trước sức mạnh hỏa lực, ngay cả lính Mỹ cũng phải trú ẩn trong các hào, hầm cá nhân. Tưởng như không gì có thể sống sót được, thì tiếng súng trường lại vang lên. Tất cả lính thủy quân lục chiến Mỹ trong căn cứ nhất loạt đứng dậy reo hò để bày tỏ sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ trước người lính Việt Nam đó.[36]

Sau 2 tháng bị vây, số phận của hơn 6.000 lính Mỹ trong căn cứ Khe Sanh vô cùng khốn đốn; nhưng lúc này giao tranh ác liệt vẫn đang diễn ra trên khắp chiến trường Nam Việt Nam, nên Mỹ vẫn chưa thể đưa quân giải tỏa cho Khe Sanh. Ngày 24 tháng 2, lực lượng Hoa Kỳ khởi động Chiến dịch Sierra, thường được gọi là Chiến dịch Super Gaggle, vì đã sử dụng một lượng lớn máy bay. Chiến dịch này liên quan tới việc tấn công các vị trí đặt pháo của QGP xung quanh Khe Sanh bằng khí ga, khói, đạn pháo công suất lớn và bom napalm, cho phép các máy bay trực thăng Sea Knight bay vào các cứ điểm ở trên đỉnh đồi và thả xuống các loại hàng tiếp viện.[31]

Trung tuần tháng 3 năm 1968, Bộ chỉ huy QGP dự kiến "Nếu cuối tháng 3 năm 1968 địch chưa tung quân ra giải tỏa thì ta sẽ đưa lực lượng đánh chiếm một đoạn tiền duyên phòng ngự của địch để tăng sức ép"; nhiệm vụ đánh chiếm tiền duyên được giao cho Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9 chốt ở đông sân bay Tà Cơn. Ngày 22 tháng 3 năm 1968, mặt trận quyết định đánh chiếm tiền duyên ở phía đông sân bay Tà Cơn. Đúng 23 giờ 30 phút ngày hôm đó, lệnh tấn công pháo binh của Mặt trận vào Sở chỉ huy cụm phòng ngự Tà Cơn và chế áp các trận địa pháo, súng cối và hỏa lực bắn thẳng của Mỹ. Trận đánh diễn ra quyết liệt, tổ bộc phá của QGP thương vong gần hết. Nhận thấy việc đánh chiếm tiền duyên khó thành công nên Mặt trận dừng tấn công, lui vào trận địa chốt củng cố. Quân Mỹ có 8 lính chết và 21 bị thương, QGP có 57 người chết.

Trận tấn công đánh chiếm một bộ phận tiền duyên ở đông sân bay Tà Cơn tuy chưa thành công nhưng đã tăng thêm sức ép vốn đã rất ghê gớm đối với phía Mỹ. Báo chí Mỹ phải thốt lên: "Sống ở Khe Sanh nào khác gì kẻ bị kết án ngồi trên ghế điện" (Tin AP). Để giảm áp lực, ngày 30 tháng 3 năm 1968 quân Mỹ tổ chức một cuộc phản kích lớn vào trận địa chốt số 3 của Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 9 với 2 tiểu đoàn TQLC Mỹ, 2 đại đội QLVNCH và xe tăng yểm hộ, ý định chiếm bằng được chốt, nhưng sau gần 5 giờ chiến đấu liên tục, quân Mỹ phải rút lui với 12 lính chết và 100 bị thương. Đây là trận phản kích cuối cùng của quân Mỹ trong căn cứ.

Đến lúc này cả Tổng thống Johnson và Quốc hội Mỹ đều lo cho gần 6.000 quân Mỹ đang bị vây hãm ở Khe Sanh; cả thế giới cũng hồi hộp theo dõi diễn biến chiến sự tại Khe Sanh. Trước nguy cơ Khe Sanh bị tiêu diệt như Điện Biên Phủ, cuối cùng Tổng thống Johnson phải quyết định điều một lực lượng thật mạnh cứu nguy cho Khe Sanh. Giai đoạn 2 chiến dịch kết thúc chuyển sang giai đoạn 3.

Đợt 3

Về cơ bản, sau khi đã kìm chân Mỹ và VNCH tại Khe Sanh để tổ chức Tổng tấn công và tổng khởi nghĩa khu vực đô thị cũng như thời tiết tháng 3 dần có những biến chuyển có lợi hơn cho Mỹ, QGP bắt đầu giảm áp lực vây hãm. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn kết thúc đợt 1 của Tổng công kích - tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 nên QGP lúc này giảm áp lực tấn công, vây hãm để chuẩn bị cho đợt 2.[31] Ngày 1 tháng 4 năm 1968, Chiến dịch Pegasus (Ngựa bay) nhằm giải tỏa cho Khe Sanh bắt đầu. Sư đoàn Không Kỵ số 1 - lực lượng cơ động mạnh nhất của Lục quân Hoa Kỳ, được tung vào Khe Sanh. Sư đoàn gồm 3 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn có 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có từ 800 đến 1.000 quân; 1 tiểu đoàn trinh sát Không Kỵ; 1 tiểu đoàn trực thăng vũ trang; 3 tiểu đoàn pháo 105 ly; 2 đại đội pháo sáng; 1 đại đội máy bay vận tải với tổng cộng 439 máy bay trực thăng và một số máy bay vận tải. Ngoài ra, còn có Chiến đoàn dù số 3 của QLVNCH và 1 tiểu đoàn pháo 105 ly cùng tham gia.

Với tổng biên chế 15.787 quân, 434 máy bay (chủ yếu là trực thăng), 1.600 xe các loại, 54 khẩu pháo 105 ly, 87 dàn rốc két với 1.872 ống phóng cỡ 70 ly lắp đặt trên trực thăng vũ trang, Sư đoàn Không kỵ số 1 có khả năng cơ động và hỏa lực mạnh mà không một đơn vị nào khác trên thế giới có được.

Tổ chống tăng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiến đấu

Ngay sau khi Mỹ mở cuộc hành quân Pegasus giải tỏa cho Khe Sanh, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam điều động thêm Sư đoàn 308 vào tham gia chiến đấu thay cho Sư đoàn 325 tại chiến trường Khe Sanh. Sư đoàn 325 được lệnh hành quân sang chi viện cho mặt trận khác. Trong đó trung đoàn 9 được đưa vào B3, trung đoàn 101D và 95C đưa vào B2 (E95C sau này trở thành E3 của sư đoàn 9 - Trung đoàn Hoa Lư)

Sáng ngày 1 tháng 4 năm 1968, Không quân Mỹ đã sử dụng 15 lần chiếc B-52, rải 450 tấn bom dọc hai bên trục Đường 9, tiếp đó các máy bay trực thăng đổ 1 tiểu đoàn không kỵ xuống Bồng Nho, Động TroÚc Nghi, đổ 1 đại đội pháo binh xuống Khe Sanh. Cùng với đường không, trong ngày phía Mỹ còn cho 147 lần chiếc xe vận tải chuyển đồ dùng quân sự và đạn dược từ Tân Lâm đến Cà Lu. Ngày 2 tháng 4, B-52 oanh tạc đông nam Khe Sanh, 14h30 trực thăng đổ 1 tiểu đoàn quân Mỹ xuống đông làng Cát và 1 tiểu đoàn xuống Cà Lu. Sau khi được thả xuống bãi đáp, Tiểu đoàn 1/5 Không Kỵ hướng về mục tiêu đồn Pháp cũ, đã đụng độ với một tiểu đoàn QGP đang phòng thủ tại đây, Tiểu đoàn 1/5 của Mỹ bị thiệt hại nặng, Trung tá Runkle Tiểu đoàn trưởng thiệt mạng. Tiểu đoàn 2/5 được lệnh vào thay thế nhưng QGP đã rút lui.

Ngày 3 tháng 4, quân Mỹ tiếp tục cho 200 lần chiếc trực thăng đổ Lữ đoàn 1 Không Kỵ xuống Pa Ka, Làng Con, Cao điểm 420, Cô Nhôm. Sáng ngày 4 tháng 4 năm 1968, với ý định đánh chiếm bằng được Cao điểm 471, khống chế vùng tây nam Tà Cơn, Mỹ dùng hỏa lực pháo binh và không quân bắn phá dữ dội nhiều giờ vào điểm cao và đưa Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 9 TQLC ra chiếm các mỏm 3, 4, 5 ở động Ché Riêng, nhưng đã bị Đại đội 7 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 9 và 1 phân đội của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 QGP chặn đánh. Trận chiến đấu giằng co kéo dài từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều vẫn không phân thắng bại, số thương vong của Mỹ đã là 10 chết và 56 bị thương, chỉ huy quân Mỹ quyết định dùng trực thăng đổ một tiểu đoàn Không Kỵ vận xuống mỏm 3 và 4 động Ché Riêng, tiếp tục tổ chức đánh chiếm Cao điểm 471.

Sau một ngày chiến đấu ác liệt, QGP cũng có 16 người tử trận, nhưng ngay trong đêm ngày 5 tháng 4 đã bất ngờ tập kích vào khu trú quân của Mỹ trên mỏm 2 tại động Ché Riêng khiến 1 lính Mỹ chết và 28 lính bị thương.

Tại hướng khác, Tiểu đoàn 3 QGP đã được lệnh xây dựng chốt ngăn chặn ở làng Khoai, lực lượng bố trí chốt làng Khoai gồm 20 binh sĩ do Nguyễn Văn Bình - Tham mưu trưởng Tiểu đoàn và Bùi Ngoãn, Đại đội phó Đại đội 11 Tiểu đoàn 3 chỉ huy. Sáng 4 tháng 4 năm 1968, sau khi cho pháo binh và trực thăng vũ trang bắn phá hàng giờ đồng hồ vào trận địa chốt làng Khoai, một tiểu đoàn Mỹ chia làm 2 mũi tấn công vào chốt làng Khoai. Trong ngày hôm đó, 5 đợt tấn công của Mỹ đã bẻ gãy, thương vong gần 100 lính (theo phía Việt Nam); đợt tiến công thứ 3 đại đội phó Bùi Ngoãn bị thương gãy chân đã yêu cầu 1 chiến sĩ dùng lưỡi lê cắt chân bị gãy để tiếp tục chỉ huy chiến đấu và đã hy sinh tại trận địa (kết thúc chiến dịch, Bùi Ngoãn được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba).

Sau 1 ngày chiến đấu, 20 chiến sĩ đã bị thương vong mất 10, trận địa bị phá hoại một phần nên chiều hôm đó phía QGP lui về tuyến 2 chốt giữ. Chốt làng Khoai còn chiến đấu liên tục đến ngày 7 tháng 4 năm 1968 thì được lệnh rút sang phía nam để phối hợp với hỏa lực tiếp tục đánh quân Mỹ.

Giao chiến trên các ngọn đồi

Tiêu biểu nhất trong các trận đánh giành chốt trong các ngày đầu tháng 4 năm 1968 là Cao điểm 558, nằm ở phía tây cụm cứ điểm Tà Cơn. Lực lượng QGP giữ chốt ở đây ngoài 2 tiểu đội bộ binh chiếm giữ ở hai mỏm đồi còn có hai khẩu 12,7 ly và một khẩu súng cối 60 ly bố trí ở khu vực yên ngựa, có hệ thống hầm hào, công sự trận địa khá vững chắc. Tại chốt 595 diễn ra trận chiến đấu ác liệt suốt 2 ngày, từ ngày 6 đến 7 tháng 4, được gọi là "kỳ tích 1 chống 40". Phía QGP chỉ có 2 tiểu đội chặn đánh 2 tiểu đoàn Mỹ trong 2 ngày, được ghi nhận là đã triệt hạ gần 200 lính Mỹ (riêng chiến sĩ Nguyễn Hữu Bào diệt 79 lính Mỹ, cuối chiến dịch được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Tài liệu Mỹ cũng xác nhận trong ngày đầu tiên đánh chốt đã có 10 lính Mỹ chết và 47 bị thương.

Tuy nhiên với sức cơ động và hỏa lực áp đảo, quân Mỹ vẫn lấn dần đến Khe Sanh. Ngày 6 tháng 4 năm 1968 các đơn vị Không Kỵ đã bắt tay được với TQLC bên trong căn cứ tại Cao điểm 471. Sau đó Tiều đoàn 1/9 TQLC bắt đầu càn quét khu vực chung quanh căn cứ khởi đi từ Cao điểm 552 rồi đến Cao điểm 681 nhưng không gặp một kháng cự nào.

Về phía QGP, song song với nhiệm vụ đánh quân Mỹ hành quân giải tỏa các điểm cao quan trọng xung quanh Khe Sanh và đường 9, Bộ chỉ huy QGP cho các đơn vị chủ động tổ chức các trận tập kích tiêu diệt các vị trí tiến quân tạm thời của lực lượng không kỵ của Mỹ.

Sáng ngày 5 tháng 4, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24 QGP bất ngờ tiến công loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 lính Không Kỵ trên Cao điểm 400. Sáng ngày 7 tháng 4, Chiến đoàn Dù số 3 QLVNCH đã dùng 132 máy bay lên thẳng từ Nhơn Biểu đổ xuống các ngọn đồi phía tây bắc Làng Vây cũ và tiến hành đổ bộ đợt hai xuống Rồ Cút. Nhưng ngay sau khi đổ quân đã bị pháo tập kích trúng đội hình, hàng chục lính thuộc Tiểu đoàn Dù 2 và 6 bị loại khỏi vòng chiến đấu. Tiểu đoàn 3 và 8 Dù QLVNCH bị Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 QGP bám đánh liên tục, tiêu hao một bộ phận lực lượng và phương tiện, buộc phải co cụm lên Cao điểm 400. Đêm ngày 8 tháng 4, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24 bất ngờ tập kích diệt thêm một số, trong đó có Thiếu tá Tham mưu trưởng Chiến đoàn dù số 3 là Bùi Văn Thạch cũng tử trận.

Cùng ngày 7 tháng 4, ở Cao điểm 552 và 689, Tiểu đoàn 1/9 của TQLC Mỹ cũng bị pháo kích bằng súng cối làm 9 lính Mỹ chết và 27 bị thương.

Để tạo hành lang an toàn, quân Mỹ tiếp tục cho quân đánh nống ra các điểm cao. Ngày 10 tháng 4, Tiểu đoàn 6 Dù QLVNCH được một tiểu đoàn Không Kỵ của Mỹ yểm trợ chia làm 3 mũi hành quân đánh chiếm Làng Vây cũ. Được pháo binh chi viện, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66 QGP đã liên tục đẩy lùi 3 đợt xung phong vào căn cứ Làng Vây, buộc Tiểu đoàn 6 QLVNCH phải lùi về Cao điểm 500 (tây bắc Làng Vây). Ngay đêm ngày 11 tháng 4, Tiểu đoàn 7 quyết định tiến công Cao điểm 500, diệt thêm một đại đội, làm thiệt hại nặng một đại đội khác. Các lực lượng Hoa Kỳ sau đó đã sử dụng tối đa ưu thế của không quân, pháo binh và cả chất độc hoá học khiến Trung đoàn 66 phải rút lui.

Lữ đoàn 1 Không kỵ của Mỹ sau khi chiếm được Làng Vây cũ đã nhanh chóng đánh chiếm Pa Ka, Làng Con, Làng Trài, Bi Hiên, đẩy được một số đơn vị của QGP ra xa. Tuy vậy sau một tuần tác chiến ở khu vực Làng Vây, Lữ đoàn Dù số 3 QLVNCH đã bị thiệt hại tới 40% quân số. Tinh thần của QLVNCH mất ổn định nghiêm trọng, phải rút về căn cứ ở Huế để củng cố. Cuộc hành quân Lam Sơn 207 của Lữ đoàn Dù số 3 đến đây chấm dứt.

Theo tuyên bố của Hoa Kỳ, Chiến dịch Pegasus kết thúc ngày 8 tháng 4 và Khe Sanh đã được giải vây. Tối ngày 14 tháng 4 năm 1968, hãng UPI và đài BBC đều công bố: "Cuộc hành quân Pegasus đã chấm dứt". Song thực tế quân Mỹ mới chỉ tạo được một tuyến tiếp vận đến Khe Sanh từ hướng đông, 3 mặt còn lại của căn cứ vẫn bị vây lỏng, các trận đánh ác liệt vẫn diễn ra và quân Mỹ thường xuyên bị tập kích. Tiêu biểu như ngày 13 tháng 4 năm 1968, tại Cao điểm 881-Bắc, lợi dụng lúc Tiểu đoàn 3/26 của TQLC Mỹ tiến công đánh chốt 622 lộ toàn bộ đội hình trên trận địa, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 đang ém sẵn ở các vị trí có lợi đã bất ngờ xuất quân trên nhiều hướng tiến đánh đội hình Mỹ; loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục lính Mỹ. Ngày 15 tháng 4, QGP tập kích bãi đáp của Đại đội A Tiểu đoàn 1/9 ở tây nam Cao điểm 689 và diệt Đại đội C và D của TQLC tới chi viện làm 41 lính Mỹ chết, 32 bị thương và 15 mất tích. Khe Sanh tiếp tục phải hứng chịu pháo kích, có những ngày ghi nhận lên tới 100 viên đạn trút xuống từ các trận địa pháo của QGP đặt tại Lào, nằm ngoài tầm pháo của quân Mỹ trong căn cứ.

Cùng thời gian trên, trên hướng đông, Sư đoàn 320 QGP cũng tăng cường hoạt động tác chiến. Trung đoàn 64 liên tục tiến công trên đường 9 diệt nhiều xe cơ giới và quân chiến đấu của Mỹ. Nhiều mũi tiến quân của Mỹ nống ra phá thế vây hãm ở khu vực Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, An Thái... đã bị Trung đoàn 48 QGP chặn đánh tiêu hao.

Ngày 21 tháng 4, 3 tiểu đoàn TQLC Mỹ chia làm nhiều mũi cơ động tiến đánh Cao điểm 622. Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 QGP đã bám trụ công sự trận địa vững chắc kết hợp với vận động tiến công quy mô nhỏ trên từng hướng, đánh bại từng mũi tiến công lên điểm cao, đẩy quân Mỹ trở lại Khe Sanh.

Ngày 23 tháng 4, gần 1 tiểu đoàn không kỵ từ Làng Con - Húc Hạ đã mở cuộc hành quân về phía Làng Vây, khi quân Mỹ vừa đổ quân chiếm vị trí xuất phát xung phong đã bị lực lượng cơ động của Sư đoàn 304 QGP chặn đánh quyết liệt, bắn cháy 2 máy bay chở quân, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực... Bị đòn phủ đầu thiệt hại lớn về quân số, tổn thương nặng về tinh thần, số còn lại vội rút về Húc Hạ bỏ dở cuộc hành quân.

Trên tuyến Đường 9, Tiểu đoàn 8 QGP liên tục phục kích đánh các đoàn xe vận tải chở vũ khí trang bị. Ngày 19 tháng 4, diệt 5 xe GMC, 1 xe M-113; ngày 20 tháng 4, loại khỏi vòng chiến đấu 2 trung đội hành quân trên 6 xe chở quân; ngày 21 tháng 4, triệt hạ thêm 108 lính cùng 1 xe tăng và một số xe vận tải.

Cuối tháng 4 năm 1968 quân Mỹ và VNCH buộc phải kết thúc cuộc hành quân Pegasus và Lam Sơn 207 khi ý định giải tỏa Khe Sanh chưa thực hiện được. Dù sao, các cuộc hành quân của Mỹ đã đẩy được một số mũi vây lấn ra xa, chiếm được một số khu vực chốt quan trọng ở khu vực xung quanh Khe Sanh, gây thiệt hại lớn về quân số và trang bị vũ khí kỹ thuật cho đối phương. Nguy cơ Khe Sanh bị tiêu diệt hoàn toàn như Điện Biên Phủ đã được tháo gỡ.

Về phía QGP, sau khi vòng vây đã bị quân Mỹ chọc thủng trong Chiến dịch Pegasus, các đơn vị cũng bắt đầu giai đoạn 4: khôi phục thế vây lấn để tiếp tục tạo sức ép buộc Mỹ phải rút bỏ Khe Sanh.

Đợt 4

Ngày 4 tháng 5, QGP bất ngờ tập kích Cao điểm 552 của Mỹ, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội không kỵ, một đại đội TQLC Mỹ, phá hủy 4 khẩu pháo 105 ly và 9 khẩu cối 106,7 ly. Cùng thời gian, ở hướng tây và tây bắc Khe Sanh, Trung đoàn 66 thực hành bao vây kiềm chế các Cao điểm 832, 689. Ở hướng đông nam Trung đoàn 9 tiến công áp sát Làng Khoai, tổ chức đánh bại một mũi phản kích của Mỹ, bắn rơi 3 máy bay trực thăng và tiêu diệt, làm bị thương nhiều lính Mỹ.

Trên tuyến Đường 9 liên tục trong các ngày 14 và 15 tháng 5, QGP đã tổ chức một số trận tập kích ở nam Làng Khoai, diệt nhiều xe vận tải và sinh lực, gây khó khăn cho việc tiếp vận cho Khe Sanh của quân Mỹ.

Những vũ khí mà quân Mỹ bỏ lại ở Khe Sanh.

Trong khi các Sư đoàn 304 và 308 đẩy mạnh hoạt động ở Tà Cơn, Đường 9, Sư đoàn Đồng Bằng cũng vừa chiến đấu tạo thế liên hoàn trên cánh đông vừa nghiên cứu quy luật hoạt động trên sông và cách bố phòng bảo vệ cảng Cửa Việt của địch, chuẩn bị cho đợt tác chiến đánh tàu trên sông Cửa Việt. Do sự chuẩn bị chu đáo và sử dụng hỏa lực ĐKZ, cối 82 ly, B-40, B-41, trọng liên 12,7 ly... một cách linh hoạt, QGP đã đánh chìm được nhiều tàu chở hàng của Mỹ trên sông Cửa Việt. Tiêu biểu nhất trong đợt hoạt động tháng 5 của Sư đoàn 320 là trận đánh trên khu vực bãi cát Cửa Việt chiều ngày 2 tháng 5, Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 6 phối hợp cùng pháo binh và các đơn vị bộ đội địa phương đã đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 4 TQLC Mỹ.

Bộ chỉ huy Quân đoàn III TQLC Mỹ đã đưa Trung đoàn 4 (thiếu 1 tiểu đoàn), Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 9 tổ chức cuộc hành quân giải tỏa Khe Sanh lần thứ 2 với mật danh Scotland II để kéo giãn đội hình vây lấn của QGP, tạo điều kiện cho ý định rút bỏ Khe Sanh. Đến ngày 18, chỉ huy TQLC Mỹ đã quyết định "bốc hết lực lượng rải rác ở các điểm cao Kơ Long, Pa Trang, 635... đưa về tăng cường cho Đường 9, Nam Tà Cơn và Đông Hà, Cửa Việt". Đây cũng là thời điểm Mỹ kết thúc cuộc hành quân giải tỏa Khe Sanh lần 2 - mang tên Scotland II mà không thu được nhiều kết quả. Sau 1 tháng chiến đấu, QGP ghi nhận đã loại khỏi vòng chiến hơn 1.000 quân Mỹ, 11 máy bay các loại bị phá hủy và bắn rơi, 7 khẩu pháo và cối bị phá hủy, phá hỏng, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 4 TQLC Mỹ. Các tài liệu của Mỹ cũng xác nhận, tính riêng trong Chiến dịch Scotland II đã có 412 lính Mỹ thiệt mạng (gấp đôi con số 205 lính tử trận mà phía Mỹ chính thức đưa ra đối với toàn bộ trận chiến ở Khe Sanh).

Chiến dịch Scotland II kết thúc, lực lượng Mỹ ở Khe Sanh còn lại 5 tiểu đoàn TQLC, trong đó một bộ phận rải rác dọc Đường 9 để bảo vệ cho tiếp tế Khe Sanh và bảo đảm yểm hộ kịp thời, hiệu quả cho việc rút lui của lính Mỹ ra khỏi Khe Sanh khi cần thiết. Ngày 26 tháng 6, Đại tướng Abrams - chỉ huy quân Mỹ ở Việt Nam đã ra lệnh tiến hành chiến dịch Charlie, tổ chức cho lính Mỹ rút bỏ Khe Sanh. Quân Mỹ tại Khe Sanh được lệnh phá hủy tất cả các công trình, vũ khí hạng nặng không thể di tản để tránh lọt vào tay đối phương.

Tuy cuộc rút quân được sắp đặt rất bài bản, nhưng nhiều đợt rút quân của Mỹ vẫn bị QGP phát hiện và tổ chức chặn đánh. Trung đoàn 246 QGP liên tục tổ chức đánh Mỹ rút chạy trên hướng tây, nhưng do lực lượng quá mỏng nên chỉ đánh được nhóm bọc hậu sau cùng, không đánh được vào quân chủ lực nên không phá vỡ được đội hình rút lui. Trên hướng Nam, Trung đoàn 102 QGP đã rút về tuyến sau củng cố, Trung đoàn 88 cũng triển khai lực lượng đón đánh quân Mỹ trên hướng Đường 9, nhưng cũng chỉ đánh được bộ phận bảo vệ mà không đánh được đội hình rút quân chính. Riêng lực lượng pháo binh QGP đã tổ chức chặn đánh rất hiệu quả vào sân bay Tà Cơn và chặn đánh trên đường bộ gây cho quân Mỹ nhiều thiệt hại về lực lượng và vũ khí, phương tiện chiến tranh. Trong 3 ngày 15, 16, 17 tháng 7 năm 1968, Trung đội 2, đại đội 5, tiểu đoàn 75 được giao chốt ở cao điểm 710 thuộc vành ngoài Khe Sanh đã bắn hạ 7 máy bay trực thăng vận tải cỡ lớn CH-47[37].

Do những hoạt động tích cực của QGP nên cuộc hành quân rút khỏi Khe Sanh của Mỹ phải kéo dài gần 20 ngày, đến ngày 15 tháng 7 năm 1968 quân Mỹ mới rút hết quân về tập trung ở Cà Lu - Tân Lâm. QGP đã làm chủ Đường 9 đoạn từ Lao Bảo đến sát Cà Lu (trừ cứ điểm Động Tri), kiểm soát toàn bộ khu vực Khe Sanh - một địa bàn chiến lược quan trọng ở phía tây Đường 9. Quân nhân Mỹ cuối cùng rút khỏi khu vực vào 25 tháng 7, trước đó ngày 9 tháng 7 năm 1968, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được cắm trên cột cờ sân bay Tà Cơn.

Trong gần 20 ngày chặn đánh quân Mỹ rút lui, E246 + một phần của sư đoàn 308 đã phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ, được ghi nhận loại khỏi vòng chiến đấu 1.333 lính Mỹ, bắn rơi, phá hủy 34 máy bay, 5 khẩu pháo, súng cối và 5 xe vận tải.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Đường_9_-_Khe_Sanh http://www.historynet.com/battle-of-khe-sanh-recou... http://www.historynet.com/the-withdrawal-from-khe-... http://www.historynet.com/the-withdrawal-from-khe-... http://www.historynet.com/wars_conflicts/vietnam_w... http://www.presidentprofiles.com/Kennedy-Bush/Lynd... http://www.library.vanderbilt.edu/central/Brush/Kh... http://www.khesanh.org/40th/feb-68.html http://www.pbs.org/battlefieldvietnam/timeline/ind... http://www.vva.org/veteran/0807/khesanh.html http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008...